Điện thoại: 0947110787
Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 (Thứ 2 - CN)

Kiến thức bể thủy sinh

Thiết kế thi công bể thủy sinh
13/07/2021

Thiết kế thi công bể thủy sinh

Bể thủy sinh là một trong những loại hình bể cá cảnh được nhiều gia đình hay công ty yêu thích và ưa chuộng. Đây là một hệ sinh thái thu nhỏ trong môi trường nước hết sức độc đáo và ấn tượng. Tuy nhiên, đây là một loại hình khá mới mẻ tại Việt Nam nên chưa được biết đến nhiều. Vậy, bể thủy sinh là gì? Thiết kế bể cá thủy sinh được thực hiện như thế nào? Việc thi công bể cá thủy sinh tiến hành ra sao? Hãy để Brothers Concept giải đáp cho bạn những thắc mắc thú vị này về những bể thủy sinh nhé.     Một hệ sinh thái thu nhỏ trong môi trường nước   1. Bể thủy sinh là gì? Có rất nhiều người lầm tưởng rằng, bể thủy sinh là cách gọi khác của bể cá cảnh. Tuy nhiên, đây là một quan niệm hết sức sai lầm. Trên thực tế, bể cá phong thủy là môi trường được cấu tạo chủ yếu bởi hai thành phần: cá và nước. Trong khi đó, bể thủy sinh lại là một môi trường sống toàn diện, một môi trường sống cho rất nhiều loại thủy sinh vật dưới nước bao gồm: cá, rêu, tôm, cua, rong, đất cát, phân bón hay các loại cây sống dưới nước... Những thủy sinh vật này tác động qua lại lẫn nhau, chúng hỗ trợ hoặc tiêu diệt lẫn nhau để trở thành một hệ sinh thái đồng nhất, ổn định và cân bằng, cùng định hướng để phát triển.   2. Những lý do để bạn sở hữu ngay một bể cá thủy sinh trong nhà  - Bể cá thủy sinh thường được coi là "bình phong" để che chắn một góc không gian nào đó được nhận thấy là chưa hợp phong thủy. - Trong văn hóa tín ngưỡng cũng như phong thủy của người Việt, những bể thủy sinh được coi là biểu tượng mang đến sự sung túc, may mắn và thịnh vượng.  - Bể thủy sinh có thể giúp bạn giải quyết hoặc tận dụng tối đa một góc "thừa" nào đó trong không gian sống và làm việc của mình. - Ngắm nhìn bể cá thủy sinh có khả năng làm giảm căng thẳng sau những giờ làm việc mệt mỏi. Thư giãn tinh thần đầu óc một cách thoải mái. Tăng khả năng sáng tạo của bản thân...   Tăng tính thẩm mỹ cho ngôi nhà của bạn   3. Những điểm cần lưu ý khi thiết kế bể thủy sinh Chất liệu bể Đối với việc thiết kế bể thủy sinh thì sự sáng tạo là vô hạn. Có rất nhiều cách thiết kế bể thủy sinh, từ đơn giản đến cầu kỳ, song mỗi kiểu dáng đều mang những nét đẹp riêng, không lẫn vào đâu được. Tuy nhiên, để có được kiểu dáng đúng theo ý muốn thì trước hết, việc đầu tiên khi thiết kế bể thủy sinh đó là bạn nên phác thảo sơ bộ ý tưởng của mình, sau đó chọn loại bể thủy sinh thích hợp. Kính là chất liệu chính được sử dụng khi làm bể thủy sinh, phần kính trong suốt giúp mắt thường dễ dàng quan sát bể cũng như nâng cao tính thẩm mỹ và trang trí nội thất ngôi nhà cho gia chủ.    Chất liệu bể kính là yếu tố rất quan trọng    Hệ thống lọc nước Khi thiết kế bể thủy sinh, chúng ta cần lưu ý đến vấn đề lắp đặt hệ thống máy lọc nước bể cá. Việc xử lý nước là một công việc rất cần thiết và quan trọng đối với sự sống còn và sự tăng trưởng của cá. Những bộ lọc bể cá thông thường bạn cần lưu ý chính là chúng không thể sử dụng được trong hồ thủy sinh, bạn cần phải đặt đèn ở đó, các loại bộ lọc cần thiết có thể dùng trong bể thủy sinh như: - Lọc ngoài: thiết bị lọc hoàn chỉnh này nằm rời, thường được đặt dưới chân bể. 2 ống nước vào ra nằm bên trong bể. - Lọc tràn: được làm bằng kính, thiết kế cố định ở một góc bể, lọc nước bề mặt rất tốt. Thích hợp với các bể thủy sinh lớn. - Lọc thác: Loại lọc này có công suất nhỏ và yếu. Chúng thích hợp cho những bể thủy sinh nhỏ (dưới 60L). Ánh sáng, nhiệt độ trong bể cá Một vấn đề khác liên quan đến tính thẩm mỹ bạn cần quan tâm khi thiết kế bể thủy sinh chính là vấn đề về ánh sáng. Ánh sáng trong bể thủy sinh được sử dụng để thay thế cho ánh sáng mặt trời nên loại đèn sử dụng phổ biến nhất chính là đèn huỳnh quang với công suất tương đối, từ 0,5 -1wat/lít nước. Các loại đèn màu được sử dụng cho bể cá cảnh thông thường không thể sử dụng cho loại bể này. Vị trí đặt bể càng khuất thì lại càng tốt, vì có thể kiểm soát ánh sáng trong bể một cách dễ dàng. Về nhiệt độ, nhiệt độ được cho là thích hợp nhất trong hồ thủy sinh thường dưới mức 29 độ C và không xuống quá thấp dưới 25 độ C. Khi nhiệt độ nước lên quá cao hay xuống quá thấp, vi khuẩn sẽ có điều kiện thuận lợi để phát triển. Đây là một nguyên nhân gây hại cho thủy sinh vật cũng như các loài cá trong bể. Ngoài ra, chúng ta cần chú ý đến việc duy trì nồng độ CO2 trong bể. Đây là điều kiện cần thiết để cây thực hiện chức năng quang hợp.   CO2 giúp cây quang hợp và lên màu đẹp hơn   4. Lựa chọn địa chỉ thiết kế và thi công bể thủy sinh tốt nhất hiện nay Yêu cầu đối với thiết kế và thi công bể thủy sinh Các địa chỉ thiết kế và thi công bể thủy sinh tốt sẽ đáp ứng được đầy đủ những yêu cầu quan trọng sau đây: - Bể thủy sinh sẽ được thiết kế và thi công đúng tiêu chuẩn, đúng bản vẽ dự kiến, đảm bảo chất lượng thi công. - Cơ sở tiến hành việc thiết kế và thi công bể thủy sinh đã có thương hiệu, uy tín. Có cam kết bảo đảm chất lượng phục vụ cũng như khắc phục sự cố kịp thời khi xảy ra sai sót, sự cố. - Tư vấn chính xác, nhiệt tình, đội ngũ chuyên viên có kiến thức về thủy sinh và cá cảnh, dày dặn kinh nghiệm. - Giá cả thiết kế và thi công bể thủy sinh hợp lý, phù hợp túi tiền, cân đối giữa tính thẩm mỹ và tài chính của khách hàng. - Quy trình thực hiện nhanh chóng, tiết kiệm thời gian lẫn chi phí. - Khi tiến hành thi công bể thủy sinh, cần trải một lớp phân bón và cát sỏi làm nền dưới đáy bể. Đây là nơi chứa dưỡng chất cung cấp cho các loại thực vật, là nơi để cây bám rễ nhưng không gây đục nước. Khi cho nước vào bể nên sử dụng túi nilon ngăn vòi nước chảy để nước không bị đục. Dòng nước chảy vào không làm hư lớp phân bón và cát sỏi nền đã trải lúc trước. Vấn đề quan trọng khi thiết kế và thi công bể thủy sinh - Một công việc rất quan trọng khi thi công bể thủy sinh chính là trang trí lớp đá và gắn cây xanh vào bể. Các viên đá với màu sắc và hình dáng đa dạng làm tăng tính thẩm mỹ cho bể, đồng thời giúp cho rễ cây thủy sinh bám chặt vào phần đáy bể. Việc sắp xếp các viên đá sẽ mang lại cảm giác sáng tạo tối đa cho chính bản thân bạn. - Việc chọn những loại cây thủy sinh để trồng trong bể cũng là một công việc thú vị. Những loài cây này có bán sẵn trên thị trường, tùy vào đặc điểm của từng loại cây mà bố trí chúng ở những vị trí khác nhau sao cho phù hợp. Có nên thả cá ngay không? Sau khi đã tạo ra một hệ sinh thái như ý muốn, bạn không nên thả cá vào bể ngay lập tức. Bạn nên trồng cây từ 7-10 ngày để hệ vi sinh trong môi trường bể ổn định. Điều này sẽ an toàn hơn cho cả cây và cá. Bạn nên lựa chọn những loại cá không cắn nhau và đặc biệt là không ăn cây thủy sinh trong bể. Việc thay nước cũng là một công việc bạn cần làm thường xuyên và đều đặn. Mỗi tuần, bạn nên thay 1/4 bể nước. Điều này đảm bảo môi trường nước trong bể luôn sạch sẽ, đảm bảo sự phát triển một cách mạnh khỏe của các loài thủy sinh cũng như cá trong bể. Trên đây là những chia sẻ về kinh nghiệm thiết kế và thi công bể thủy sinh tại Brothers Concept. Mong rằng, những thông tin trên đây sẽ giúp bạn thiết kế được một hồ thủy sinh độc đáo và mang tính thẩm mỹ cao cho không gian trong gia đình hoặc văn phòng làm việc của mình. Chúc các bạn thành công.  

Kinh nghiệm chăm sóc hồ thủy sinh tránh rêu hại mùa nóng
11/06/2021

Kinh nghiệm chăm sóc hồ thủy sinh tránh rêu hại mùa nóng

1. Nguyên nhân bùng phát rêu hại mùa nóng và chuyển mùa mưa Thời tiết trong nam bắt đầu nóng bức và trời cũng bắt đầu đổi mùa mưa. Như mọi năm, từ tháng 4 đến cuối tháng hè là mùa rêu hại. Cứ đến mùa này thì doanh thu bán cidex, excel, carbon liquid và các chế phẩm trị rêu của shop mình và cả các đại lý trên toàn quốc đều tăng chóng mặt. Nguyên nhân chính của sự bùng phát rêu hại trong hồ thuỷ sinh là: – Mùa nóng làm lượng oxy trong nước thấp hơn, làm hệ vi sinh của đa số hồ thuỷ sinh (không có chiller) đều yếu hơn, và tất nhiên ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống và cây trong hồ, rêu hại tận dụng phát triển. – Đa số cây thuỷ sinh đều yếu hơn khi nhiệt độ nước quá cao, và càng yếu khi nhiệt độ nước nóng lên đột ngột. – Giao mùa mưa là lúc vi khuẩn trong các nguồn nước tăng lên (các công ty thuỷ cục hay tăng lượng clo khử khuẩn vào mùa mưa), nhiều cây thuỷ sinh như ráy rất dễ bị nhiễm khuẩn. Cá tép cũng dễ bệnh và chết lai rai trong mùa này, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nước hồ. Những loại rêu hại thường gặp mùa này là: rêu chùm đen, rêu tóc, rêu nhớt xanh, tảo nâu và rêu nước xanh.   2. Lời khuyên có thể hữu ích cho anh em chưa có kinh nghiệm: – Nếu hồ có chiller (máy làm lạnh nước) thì cố châm thêm kali, đây là kinh nghiệm của nông dân ta để tăng đề kháng, sức chịu đựng cho cây trồng lúc giao mùa. Kali tương đối an toàn cho hầu hết các hồ thuỷ sinh. – Châm vi sinh thêm thường xuyên, nhất là khi thay nước hay vệ sinh lọc (quan trọng). Hệ vi sinh khỏe nghĩa là hồ ổn đinh, rất khó lên rêu hại. – Cho cá tép ăn ít lại, để hạn chế ít hữu cơ dư thừa từ thức ăn thừa và phân cá, nhưng đừng bỏ đói cá. – Nếu hồ không có chiller hay máy lạnh, cố bảo dưỡng vệ sinh thay nước thường xuyên hơn vào mùa này. Nhưng nếu hồ có đèn sáng quá thì đảm bảo dinh dưỡng từ phân nước, phân nhét mỗi khi thay nước. Nếu dùng nước máy thực tiếp thì nhớ khử clo khi thay nước để khỏi ảnh hưởng cá và cây. – Có thể châm liều nhẹ excel hay cidex ngừa rêu hại hằng ngày. Khi mầm mống rêu hại mới xuất hiện trong nước thì rất dễ bị diệt bằng excel, cidex hay carbon liquid. – Nếu rêu hại xuất hiện thì nên trị ngay. có thể bằng việc thây nước, dùng tay vệ sinh, cá tép… hoặc dùng chế phẩm như trên nếu bắt buộc. – Những hồ không nên dùng hoá chất trị rêu hại hoặc hạn chế: hồ có nhiều tcnt, tccb, tc 3 lá, rêu nhạy cảm như Phụng Vĩ Đài… – Nếu có thể, nên thả bèo Nhật hay 1 số cây bán cạn, những loại cây này có lợi thế lấy carbon, ni tơ dồi dào trên cạn để hút thêm dinh dưỡng dư thừa trong nước, hoặc tiết ra hoá chất cảm nhiễm phòng rêu hại cực tốt. – Tránh cắt tỉa toàn bộ hồ 1 cách đột ngột, nếu cắt tỉa quá nhiều mùa này rất dễ kích hoạt rêu hại. – Không nên nóng vội kích cây mọc nhanh thời gian này, nhất là bằng cách châm phân nước quá nhiều, châm kích rễ quá nhiều. Nếu có thắc mắc hay cần tư vấn gì, các bạn vui lòng comment ở đây hoặc liên hệ trực tiếp qua page facebook của mình nhé Chúc các bạn có hồ đẹp.

Bài hướng dẫn từ A đến Z cho người mới bắt đầu chơi thủy sinh
21/02/2020

Bài hướng dẫn từ A đến Z cho người mới bắt đầu chơi thủy sinh

Nhiều bạn muốn set 1 cái hồ thủy sinh nho nhỏ nhưng thật sự không biết nên bắt đầu từ đâu. Bài viết này mình xin dành tặng cho các bạn mới chơi, hy vọng các bạn sẽ thành công với thú vui tao nhã này.​ Hồ thủy sinh có nhiều loại, nhiều phong cách và cách chơi. Khi có đam mê các bạn sẽ tìm hiểu dần dần. Nên nhớ là mình set hồ cho chính mình ngắm hằng ngày nên mình thấy đẹp là quan trọng nhất. Thêm nữa là cái sự hoàn hảo nó luôn hiện diện, ngay cả trong những hồ đầu tay các bạn làm, đừng cố tìm kiếm sự hoàn hảo ở những nơi xa vời 1. Đầu tiên bạn phải biết được mình thích hồ thủy sinh phong cách gì? - Như mình đã nói, hồ thủy sinh rất đa dạng, bạn suy nghĩ và lên google tìm hình hồ đẹp xem mình thích làm 1 hồ như thế nào. Một số bạn thích hồ bonsai đơn giản, 1 số thích chơi rêu, ráy, dương xĩ, 1 số lại thích hồ cây phong cách Hà Lan, 1 số lại thích chơi lũa, đá… - Khi nhắm được mục tiêu này bạn sẽ dễ dàng biết mình phải làm gì và qua bước 2 2. Bắt đầu tìm mua hay tự dán hồ kính Kích thước hồ thủy sinh phụ thuộc vào: - Sở thích của bạn - Số tiền bạn có thể dành làm hồ - Chổ để hồ rộng ra sao (nên chọn nơi để hồ có nhiều người quan sát, chiêm ngưỡng, chổ chính bạn thấy và chăm sóc hằng ngày, nếu nhà có trẻ em thì cũng nên suy xét kĩ, né những nơi có nhiều ánh sáng trực tiếp để tránh rêu hại) - Cẩn thận cầu thang, nhiều bạn dán hồ xong không khiêng lên cầu thang được phải thanh lý - Một số bạn chơi phong thủy, họ quan tâm đến size hồ - Các bạn nên dán decal đen hoặc trắng ở mặt sau hồ để tạo chiều sâu, nhưng 1 số trường hợp muốn cho mọi người xem hết 4 mặt hồ thì không cần dán. Một số gợi ý về kích cỡ hồ thủy sinh: Hồ chơi thủy sinh thường không có kiềng, không có thủy mài, được mài cạnh bằng vi tính, dán dấu keo rất thẫm mĩ. Nó giống như 1 khối nước nằm giữa nhà, những size thông dụng: - Hồ cubic 40 (dài 40cm, rộng 40cm, cao 40cm): tổng quan đẹp, dễ chơi. Có thể dán bằng kính 5 li hay 8 li, nếu chơi nhiều đá thì nên làm kính 8li. Kính thường là đủ đẹp, ai thích thì có thể lên kính siêu trong, sẽ mắc hơn chút. - Hồ 50(d) – 30 (r) – 30 (c): đẹp, cân đối, dán bằng kính 5 li là đủ - Hồ chuẩn size ADA: 60 (d) – 30 (r) – 36 (c): đẹp, cân đối, kính 5 lit là ok, chơi đá hay muốn chắc chắn thì 8 li - Hồ thông dụng 60 – 40 – 40: đẹp, chiều sâu và cao tốt, gần 100 lít nước nên dễ tính toán phân nền, phân nước, các bạn mới nên chơi hồ size 60 vì nó thông dụng, dễ đồ mới cũng như đồ thanh lý và cũng dễ thanh lý khi chán. Nên chơi kính 8li. - Hồ 80 -40 – 40: cũng tạm được nhưng size này khó kiếm đèn, nên né size này ra nếu có thể - Hồ 90 40 40: khá đẹp, dễ mua đồ, kính 8 li hoặc 10 li - Hồ 90 45 45: đẹp, cân đối, nên chơi hồ này, kính 10li cho yên tâm. - Hồ 100 50 50: tạm được nhưng size đèn hơi khó mua - Hồ 1m2 50 50: đẹp, dễ mua đồ, nên làm full 12li - Hồ 1m5 60 60 trở lên: đẹp, nhưng người mới không nên chơi hồ size lớn hơn 1m2 Kết luận: tùy sở thích và nhiều yếu tố, nhưng nên chơi 3 size như sau: 60 40 40 full kính 8li, 90 45 45 full kính 10 li, và 1m2 50 50 full 12 li. Hồ không kiềng, không thủy mài, mài vi tính, dán dấu keo. Size nhỏ hơn 60 thường chơi dễ chán, quản lý nước hơi khó, to hơn 1m2 thì tốn quá nhiều chi phí và khó chơi cho người mới. Dùng kính cường lực dán hồ cũng tốt nhưng không quá cần thiết. Nếu kinh phí cho phép thì có thể dán bằng kính siêu trong 1 mặt trước, hoặc 3 mặt, (4 và 5 mặt siêu trong thật sự không cần thiết.) - Các bạn có thể đến các shop thủy sinh mua hồ, đặt hồ. Một số anh dán hồ chất lượng bao gồm vnham bên quận 8, Anh Minh Phú Nhuận – Gò Vấp, Quang Nguyen và anh Nico ở Thủ Đức, anh hothuythuysinh ở quận 4, gacco Kiệt quận Tân Phú, Huy TonyKay ở Thủ Đức (chuyên dán số lượng cho shop) anh Lâm Kimchi bên quận 3 và nhiều anh em khác. 3. Chân hồ, tủ gỗ: Sau khi bạn xác địch hoặc đã mua được hồ thì cần phải mua thêm chân sắt cho hồ. Sau đây là 1 số lựa chọn: - Chân sắt 4, rẻ và chắc chắn nhưng không che được lọc, co2 và những dụng cụ khác. - Chân sắt ốp gỗ cao su bên ngoài - Chân sắt ốp sắt hay alu giả gỗ. - Tủ gỗ ván ép: nên chơi với hồ kính thước từ 1m2 trở lại, chọn loại ván ép chống nước - tủ gỗ cao su, các loại gỗ khác, riêng size 90 hay 1m2 trở lên thì nên có chân sắt bên trong tủ gỗ - Chân sắt 2, 3 tầng cho anh em chơi nhiều hồ Lưu ý: chiều cao chân sắt, tủ gỗ thông dụng là 70 đến 80cm, trừ những trường hợp đặc biệt - Những nơi làm chân sắt, tủ gỗ uy tín: anh Jiep Tép bên Gò Vấp, Lộc Nguyễn của FAM và những shop thủy sinh khác. 4. Bộ lọc nước: 1 hổ thủy sinh đẹp là hồ ổn định, nước trong vắt, cây cá khỏe mạnh. Bộ lọc của bạn đảm nhận công việc đó.  Lọc hồ thủy sinh có những loại cơ bản sau: - Lọc treo trên thành hồ: dành cho hồ nhỏ dưới 60 cm, gọn nhẹ - Lọc vách trong hồ, loại lọc này rất hiệu quả, tiết kiệm chi phí nhưng nó lại chiếm mất 1 phần diện tích hồ, gây thiếu thãm mĩ - Lọc thùng ngoài: lọc này hiệu quả, thẩm mĩ và được ưa chuộng nhất, giá của nó cũng tùy theo hãng sản xuất hay hàng tự chế của Việt Nam, lọc thùng chính hãng của Đức như Eheim hay JBL có giá từ 2 triệu đến 7 8 triệu 1 cái (chất lượng cao, tiết kiệm điện), lọc thùng hãng của TQ như Atman, Jebo có giá từ 500k đến 2 triệu (chất lượng tốt). Một sự chọn lựa không tồi là lọc chế từ ống nhựa của anh em VN, lọc này được anh HOVATEN ở HN chế ra đầu tiên nên được gọi là lọc hvt. Giá của lọc này thưởng rẻ hơn các sản phẩm chính hãng. ở HCM các bạn có thể mua lọc hvt Van Vu, lọc hvt gấu bố vĩ đại, hvt khanh BQ, hvt Cat Phong… Ngoài ra anh em VN còn chế lọc thùng inox theo kiểu ADA, rất đẹp nhưng giá cao (cỡ 2-4 triệu) - Khi mua lọc các bạn sẽ được shop hướng dẫn kĩ hơn cách sử dụng (đa số khá đơn giản), mình chỉ xin nói về lưu lượng máy bơm lọc và cách xếp vật liệu lọc như sau: bạn nên chọn máy bơm của lọc với liều lượng x3 hay x5 lần số lít trong hồ của bạn. Ví dụ hồ 100 lít nước bạn nên chọn máy bơm cỡ 500 đến 800 lít / giờ (nhớ là con số trên lọc TQ có thể chưa chính xác, bạn phải trừ hao). Trong lọc, bạn để bông lọc ở gần nước từ hồ vào, rồi đến bùi nhùi (không có cũng được), rồi đến nham thạch hay sứ lọc, matrix…). Nên để 50% bông lọc và 50% còn lại là sứ hay matrix… - Vật liệu lọc cao cấp và mắc tiền bao gồm matrix, eheim subtract pro, bio ring…., tuy nhiên sứ lọc TQ, nham thạch đen, đá nham thạch trắng cũng rất hiệu quả. - Lưu ý là bộ lọc này phải luôn chạy 24/24 nhé. 5. Đèn Ánh sáng cực kì quan trọng trong thủy sinh. Kiến thức và thông tin về ánh sáng rất sâu rộng nên mình chỉ nói về những điều cơ bản dễ hiểu. Đèn cho hồ thủy sinh thông dụng gồm: đèn huỳnh quang t8 (như bóng điện quang), t5 (nhỏ hơn chút và sáng hơn), đèn LED (sáng, tiết kiệm điện, mát), đèn cao áp metal…. Bạn có thể mua những đèn thông dụng này ở các shop thủy sinh và họ sẽ tư vấn thêm cho bạn về loại đèn phù hợp. Cá nhân mình vẫn dùng đèn t8 và t5, đôi lúc dùng LED và cảm nhận những loại đèn này đều hiệu quả. Những loại đèn thông dụng cho các bạn mới chơi: đèn t8 jebo chế của anh Van Vu, đèn odysea T5HO, đèn t5 Aquazonic, đèn Led Dee, Led Aquablue, Led Chirious… Có 1 điều về ánh sáng các bạn nên nhớ là: bạn càng dùng nhiều đèn, càng sáng thì hồ của bạn càng khó quản lý. Ví dụ 1 hồ chơi rêu, dương xĩ, bạn cần 0,5 w cho 1 lít hạy ít hơn, và hồ của bạn thường ít khi gặp vấn đề về rêu hại hay thiếu hụt dinh dưỡng . Nhưng nếu bạn chơi 1 hồ cây với lương ánh sáng 2wat / 1 lit thì bạn phải có nhiều kinh nghiệm quản lý nước, co2, rêu hại… Thời gian chiếu sáng: thường là từ 8 đến 10 tiếng / 1 ngày. Nên để đèn liên tục phỏng pheo ánh sáng tự nhiên, tuy nhiên vẫn có thể chia ra ngắt quãng như: sáng từ 8 đến 12h, tắt đèn từ 12h đến 4h, bặt tiếp từ 4h đến8h tối (túy theo giờ bạn ngắm hồ) Các bạn có thể gác đèn cao hơn mặt nước từ 10-30cm tùy cây cối trong hồ của bạn. Nếu chơi rêu, ráy, dương xí thì có thể gác đèn cao len cho đẹp và tỏa sáng tốt hơn. 6. Phân nền Phân nền cũng đặc biệt quan trọng trong hồ thủy sinh. Hồ bạn có đẹp, nước có trong và ổn định, cây cối cá tép có khỏe không đều là do phần lớn nhiệm vụ của phân nền. Phân nền có nhiệm vụ làm ổn định hệ vi sinh, ổn định nước, các chỉ số dinh dưỡng, pH, kH, gH, tds… cũng do nền quyết định là chủ yếu. Phân nền thủy sinh có 2 loại: - Nền trộn từ đất, bùn, đất sét, gọi chung là nền trộn. Loại này thường giàu dinh dưỡng, rẻ tiền nhưng lại khó set hồ vì nó bẩn, nếu làm không kĩ sẽ bị xì lên gây đục hồ. Nền trộn phải được phủ ở trên 1 lớp sỏi dày 3 cm trở lên. Dinh dưỡng nền trộn cũng nhiều nên khó quản lý hơn. Các bạn có thể tự trộn theo công thức có sẵn trên google nhưng các bạn cần kinh nghiệm. Đơn giản nhất là mua từ những bạn trộn sẵn như phân nền của Phương Nuphar, Lý Vũ…Loại nền này thường không cần lót cốt nền dinh dưỡng ở đáy. Khi mua các bạn sẽ được người bán tư vấn liều lượng và cách sử dụng. - Nền công nghiệp: loại này phù hợp với người mới vì set hồ dễ, sạch sẽ, không sợ bị xì (nếu không lót cốt nền ở dưới). Tuy nhiên giá cao hơn nền trộn. Nền công nghiệp chất lượng bao gồm ADA , Gex xanh, đỏ , Control Soil, Oliver Knot.. (nền nhập khẩu), và nền công nghiệp chất lượng của VN như Aquafor của Thủy Mộc, Smekong II, red highland… Nền công nghiệp thường phải lót cốt nền dinh dưỡng ở đáy hồ. Cốt nền cũng gồm nhiều loại nhập khảu hay của VN như ADA powersand, jbl florapol, jbl aquabasic plus, cốt nền control soil, cốt nền Aquafor, cốt nền nuphar… Tuổi thọ trong bình của những nền trộn hoặc công nghiệp chất lượng lên đến trên dưới 3 năm nếu các bạn sử dụng hợp lý. Tuy nhiên nền công nghiệp các bạn có thể thanh lý khi lật hồ, còn nền trộn thì hầu như chỉ có thể vứt đi. 7. Bộ cung cấp khí Co2 Cây thủy sinh cần Carbon trong khí C để quang hợp, lượng Carbon có sẵn trong nước chưa thật sự đủ cho cây nên người chơi thường cung cấp khí Co2 vào hổ thủy sinh. Một số dung dịch cung cấp Co2 cũng có tác dụng it nhiều nhưng mình nghĩ hiệu quả của bình nén co2 sẽ rõ ràng hơn. Hồ thủy sinh nên có co2 để cây cối căng đẹp và hạn chế rêu hại. Bình khí nén Co2 không hề nguy hiểm nếu bạn sử dụng đúng (không mua bình quá cũ, rỉ sét, không để trong phòng kín, phòng ngủ…) Bình co2 có nhiều loại, loại thông dụng và rẻ tiền nhất vẫn là bình sắt loại 1,2,3 ,5,10kg (tức là chứa được 1,2,3 hay 5, 10 kg co2 nén), bình co2 2 kg thường dùng được 1 đến 3 4 tháng và khi đi bơm lại mất cỡ 50k. Ngoài ra còn có loại bình bằng nhôm, hợp kim với giá t thành cao hơn. Các bạn có thể tự chế co2 bằng bột mì hay chất hóa học nhưng mình thật long khuyên rằng không nên. Khi mua bình co2, các bạn phải mua thêm bộ đếm giọt, dây dẫn và bộ trộn co2 (nên dùng bộ trộn ngoài hồ sẽ hiệu quả hơn). Có thể dùng van điện để chỉnh tự ngắt co2 khi đèn tắt, hoặc đơn giản là để co2 24/24 cũng không sao. Tùy số lít trong hồ và loại cây bạn có thể cung cấp mấy giọt co2 trong 1 giây. Hồ rêu thường chỉ cần 1,2 giọt /giây. Hồ cây thì nhiều hơn. Các bạn cân thận vì quá nhiều co2 trong nước sẽ gây chết cá tép. 8. Lũa, đá, bố cục hồ thủy sinh Sau khi lo xong vụ phân nền, các bạn nên nghĩ đến bố cục trong hồ. Các bạn có thể set hồ bằng lũa (những nhánh cây, gỗ chết mình cho vào để tạo bố cục ), hoặc đá (bố cục núi), hoặc kết hợp lũa đá, phong cách bonsai, phong cách hồ Hà Lan (chuyên chơi cây cắt cắm)… Những loại lũa thông dụng gồm: Linh sam, đỗ quyên, trà rừng, red wood… với giá thành khác nhau. Khi mua lũa về bạn nên xử lý kĩ bằng cách ngâm nước vài tuần, hoặc luộc 1 2 lần, ngâm muối… để lũa chìm, không ra màu và bị mốc.  Đá thủy sinh thông dụng gồm đá tiger, tai mèo, kẹp kem, trầm tích, đá Phan Thiết, đá đen Gia Lai… Lũa đá đều được bán rộng rãi ở các shop thủy sinh. Về bố cục mình nghĩ các bạn phải tự tìm hiểu và set hồ dần dần, bạn sẽ cảm nhận được thú vui này qua những hồ mình từng làm. 9. Rêu, dương xĩ, ráy, bucep, và cây thủy sinh Đi kèm với bố cục là rất nhiều loại cây thủy sinh. Mình tạm chia thành 2 loại: - Loại chịu ít sáng như rêu, dương xĩ, ráy: phù hợp với hồ ánh sáng vừa (từ 0,5 wat / 1 lít nước trở xuống), nước mát chút và dinh dưỡng trong nước không cần quá nhiều, co2 vừa phải. - Loại ưa sáng như cây cát cắm, bucep..: đòi hỏi ánh sáng cao, co2 nhiều, dinh dưỡng mạnh để căng đẹp - Nơi mua cây cối thủy sinh: nếu bạn ở khu Thủ Đức, quận 9 thì ghé Thủy Mộc, nếu bạn ở Bình Thạnh thì ghé trại thủy sinh ở đường Hồ Xuân Hương, nếu ở GV thì ghé trại Tuân Anh ở khu Phan Huy Ích, hoặc trại thuysinh24h. (google địa chỉ cụ thể nhé) Các bạn vào google xem những hồ mẫu, hồ của anh em member group để học hỏi và làm quen dần nhé. 10. Timer Một vật dụng cần thiết cho người chơi thủy sinh, dùng để cài đặt thời gian tự bật tắt đèn,co2…Giá timer cơ cỡ 85-100k, còn timer điện tử từ 140-200k. Các bạn newbie nên dùng cái này để giúp hồ nhanh ổn định hơn. 11. Quạt / chiller Nếu ở những thành phố có thời tiết nóng thì bạn nên mua thêm quạt nhỏ cho hồ thủy sinh (giá rẽ 100-200k), hoặc nếu có điều kiện tài chính thì có thể mua máy làm lạnh nước chiller giá từ 2tr5 đến 6 triệu tùy loại. 12. Chăm sóc hồ / thay nước / rêu hại / bệnh của cá - Một hồ thủy sinh đẹp phải được chăm sóc hầu như hằng ngày. Các bạn cố tập thói quen dành ra 5-10 phút hằng ngày ngắm hồ, chăm sóc hồ. Nếu bận rộn bạn nên chọn bố cục hồ rêu, dương xĩ để chơi, đỡ thời gian chăm sóc hơn hồ chơi cây cắt cắm. - Thay nước là 1 phần không thể thiếu trong việc chăm sóc 1 hồ đẹp, 1 hồ mới set thường phải thay nước hàng ngày 30%, đến tuần thứ 2 các bạn thay nước 3 lần, mỗi lần 30% nước, tuần thứ 3 thì thay 2 lần, 30%, và qua tuần thứ 4 trở đi các bạn chỉ cần thay 30% nước 1 lần trong tuần. Đừng thay nước quá nhiều gây chết và thiếu hụt hệ vi sinh của lọc, dinh dưỡng cũng sẽ mất cân bằng nếu bạn luôn thay nước 50% trở lên, chưa kể đến việc cá tép vị sốc nước. Mỗi khi thay nước các bạn nhớ dùng dung dịch khủ chlo nhé, rất quan trọng.  - Nhớ không thay nước trong cùng ngày vệ sinh lọc nhé. - Rêu hại là kẻ thủ của thủy sinh, 1 hồ thủy sinh ổn định, cây cối cá tép khỏe mạnh thì thường không hoặc ít bị rêu hại. Khi rêu hại phát triển trong hồ của bạn (thường là trong tháng đầu) là vì hồ bạn chưa ổn định, lượng co2 chưa đủ hoặc dinh dưỡng chưa cân bằng. Cách trị rêu hại từng loại mình sẽ có bài viết nói rõ sau. - Bệnh của cá: các loại cá nuôi trong hồ thủy sinh rất dễ bị nấm và chết cả đàn nếu bạn thả cá khi hồ chưa ổn định (thường là nên thả cá sau 1 tháng sau khi set hồ). Thuốc trị nấm, bệnh cá và cách dùng các bạn có thể nghiên cứu thêm trên google nhé.

Sự thật về cây trồng thủy sinh bạn nên biết
21/02/2020

Sự thật về cây trồng thủy sinh bạn nên biết

Cây trồng thủy sinh ngày càng phổ biến với người yêu cây cảnh và trở thành thú chơi đặc biệt của họ. Cây có thể dùng để trang trí nhà cửa, tạo cảnh quan đẹp và không gian trong lành. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết một vài sự thật sau đây về loại cây trồng độc đáo này.   Cây thủy sinh là gì? Cây trồng thuỷ sinh là các loài cây sống dưới nước (nước mặn hay ngọt), có khả năng sinh trưởng và phát triển bình thường trong môi trường này trong một khoảng thời gian dài. Chúng có thể sống hoàn toàn trong nước (các loài tảo biển), một phần trong nước hoặc trong môi trường ẩm ướt như bùn. Một số khác thích ứng với môi trường ngập nước với phần lá nổi lên trên.   Không chỉ là thực vật cho bể cá cảnh   Chúng ta vẫn được biết về các loại thực vật thủy sinh quen thuộc như: cây Trân Châu Nhật, Trân Châu Cuba, Cỏ Ngưu Mao Chiên,  Cỏ Thìa, Súng Thủy sinh, Thủy Cúc, Rong Đuôi Chó, Hẹ thẳng, Rêu Java, Rau Má Hương, …  Những cây này được trồng trong bể cá cảnh hoặc hồ thủy sinh cùng các loại động vật dưới nước khác.       Các loài thủy sinh này có rất nhiều tác dụng:   – Loại bỏ các chất thải của sinh vật trong nước, thức ăn thừa, vật liệu phân hủy cho bể, hồ. Đồng thời giúp bổ sung khoảng trống ở bề mặt, tạo điều kiện cho các vi khuẩn có lợi phát triển, giống như là bộ lọc sinh học an toàn mà hiệu quả cho bể cá cảnh. Chúng vừa cung cấp đủ lượng oxy, vừa hấp thu lượng carbon dioxide (CO2) mà cá thải ra. – Tạo điều kiện cho đàn cá hoặc tôm tép, ốc cua có nơi trú ngụ, ẩn nấp tránh tình trạng tranh giành lãnh thổ, đuổi cắn nhau. Một số loài cá có thể tận dụng nơi đó để sinh sản mà không sợ trứng bị loài khác ăn mất.   – Làm nên cảnh quan sinh động hơn cho hồ cá, bể cá. Nếu cây được trồng trong hồ riêng, đó như là tiểu cảnh trang trí trong nhà, đầy đủ non nước cây cỏ hữu tình, nhìn rất mát mắt và khiến không gian dễ chịu hơn. Tuy nhiên, cây trồng thủy sinh không chỉ là thực vật cho bể cá cảnh. Đó còn là những cây cảnh phong thủy để bàn được trồng biến tấu bằng phương pháp thủy sinh. Trong số đó chúng ta có thể kể đến cây Hồng Môn, cây Phú Quý, cây Kim Ngân, cây Phát tài, cây Trầu Bà, cây Lan Ý, … Những cây này ngoài để trang trí và mang ý nghĩa phong thủy còn có thể lọc không khí, chất độc hay bức xạ rất tốt. Người ta trồng chúng trong chậu nước nhỏ để tiết kiệm không gian, diện tích mà đặt linh hoạt được ở nhiều nơi. Một số cây cảnh phong thủy trồng thủy sinh:         Trồng cây thủy sinh cần rất nhiều kỹ thuật Cách trồng từng loại là khác nhau – Đối với những cây nổi, ta chỉ cần tách những nhánh nhỏ hay phần phân cắt của cây và thả lên mặt nước. – Trường hợp cây có thân cứng mọc thẳng, hoặc bộ rễ phát triển thì ta có thể buộc gốc cây vào đá hay dùng sỏi, miếng xốp đè lên, bao quanh gốc cây để giữ cho cây khỏi bật rễ nổi lên trên mặt nước. – Với những cây trồng có thể bén rễ ra từ thân (như cây Phát tài), có thể cắm các khúc thân đã cắt (vẫn giữ lá) vào nước, sau thời gian cây sẽ tự ra rễ.   – Có những loài có thể trồng trực tiếp trên đá và một số cây có hạt khác mọc được trên đá. Ta có thể gắn chúng lên trên hòn non bộ trong bể cá, hoặc có thể gắn trên một mảnh gỗ. Sau một thời gian, chúng sẽ phát triển trên đáy bể. Khi trồng cây thủy sinh cần chú ý những điều sau: – Chọn chậu, bể thủy tinh phải chọn loại có thân rộng để rễ cây được phát triển tốt, không bị chèn đè lên nhau rất dễ chết. Khi trồng, phải để một khoảng trống giữa gốc cây với phần lá cây để tránh tình trạng lá bị ngập lún, bị hỏng gây ô nhiễm môi trường nước. – Cần cung cấp dung dịch dinh dưỡng cho cây thường xuyên để cây được phát triển tốt. – Nếu bạn trồng cây thủy sinh trong bể cá, để cây sinh trưởng bình thường, nên chọn số lượng cây phù hợp với số lượng cá nuôi. Và cần vệ sinh bể cá theo định kỳ để đảm bảo nguồn nước được trong, sạch.   – Bạn có thể tạo điểm nhấn cho bình cây thủy sinh bằng cách thả những viên sỏi, bi, hoặc đá màu để có một sản phẩm sinh động, đẹp mắt hơn nhưng không nên bỏ quá nhiều. Đồng thời nên dùng miếng mút xốp để giữ độ ẩm cho gốc và cố định cây thẳng hơn. Tiến hành trồng cây thủy sinh – Rửa sạch cây và rễ nhẹ nhàng, tránh làm dập nát lá, loại bỏ một số lá đã bị vàng úa và rễ cây nào đã mục nát. – Vệ sinh bình, chậu trồng sạch sẽ, cho nước sạch kèm dung dịch dinh dưỡng với nồng độ thích hợp từng loại cây vào. – Cho cây vào bình, tách rễ cây sao cho chúng không chồng chéo lên nhau. Đối với cây cảnh thủy sinh trồng chậu, không thể sống trong điều kiện ngập nước, cần ngập khoảng 2/3 rễ, chừa phần thân cách lá một khoảng để khỏi úng lá.   Chăm cây trồng thủy sinh như chăm…con Ánh sáng Nhu cầu về ánh sáng của mỗi loài thủy sinh là không giống  nhau, tuy nhiên ánh sáng vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu mà người trồng cây cần chú ý. Một số loài sinh trưởng nhanh sẽ cần ánh sáng mạnh, ngược lại các loài sinh trưởng chậm có thể sống được ở nơi ít sáng, nửa râm. – Đối với cây được trồng trong bể cá, hồ thủy sinh, cần nắm rõ rằng ánh sáng gần mặt nước sẽ mạnh hơn so với ánh sáng sát dưới nền. Bạn cần đặt đèn chiếu sáng cho bể nếu nó nằm ở vị trí thiếu ánh nắng mặt trời. – Cây cảnh trồng chậu đặt bàn làm việc hay ban công, … cần quan tâm cây đó thuộc loại ưa sáng hay sống được dưới ánh đèn huỳnh quang, và cần bao nhiêu giờ tắm nắng mặt trời để cây phát triển tốt. – Nhìn chung, các cây trồng thủy sinh đều cần ánh sáng liên tục từ 8 – 10h mỗi ngày, tùy vào từng loại mà chiếu sáng bằng đèn hay cho ra ánh mắt mặt trời.   Dinh dưỡng và thay nước – Đối với bể có cá, tôm, thì sau khoảng 6 tháng chất dinh dưỡng sẽ ít dần đi. Lúc này bạn cần cung cấp phân nước hoặc các loại dung dịch dinh dưỡng cho bể. Lưu ý, chỉ cho một lượng vừa đủ, vì nếu quá nhiều, dư thừa chất dinh dưỡng sẽ tạo điều kiện cho rêu tảo phát triển gây hại cây. – Cây được trồng trong chậu thủy tinh nhỏ vì ít lượng nước và chất dinh dưỡng nên phải được bổ sung dung dịch thường xuyên hơn, có thể 1-2 lần/tháng. – Khoảng 2 tuần chúng ta nên thay nước cho chậu cây 1 lần. Đối với bể cá thì có thể tăng thời gian lên là 1 tháng. Chỉ thay khoảng 50% nước trong hồ, tùy thuộc vào số lượng cá nuôi và chất lượng của hệ thống lọc nước, và đảm bảo nước mới có cùng nhiệt độ với nước trong hồ (không lạnh hơn hay nóng hơn). – Tuyệt đối không được dùng nước máy chưa qua xử lý, chứa nhiều clo vì có thể gây hại cho cây hoặc các loài cá.   CO2   Cây cần lượng CO2 thích hợp để phát triển nên bạn phải sục khí CO2 cho bể thủy sinh thường xuyên. Tuy nhiên, không được để lượng CO2 trong nước quá đậm đặc khiến cá và các sinh vật trong bể bị thiếu Oxi để hô hấp. Nếu bể nuôi nhiều cá thì giảm cung cấp lượng khí này lại. Nước trong bể có thể cân bằng ổn định vì cá sẽ thải khí này ra cho cây. Những Lưu ý khác –  Đá sỏi và cát phải được rửa sạch để tránh gây ô nhiễm nước trong hồ. Có thể dùng đất sét trộn lẫn với cát tạo thành một lớp nền ở đáy hồ làm chỗ đính cây vào. Dĩ nhiên là đất hay phân dùng phải là những loại không hòa tan trong nước. – Cây trồng thủy sinh bị vàng hay rụng lá là do cây thiếu ánh sáng. Hãy thường xuyên cho cây ra hấp thụ ánh nắng mặt trời vào buổi sáng sớm hoặc chiều tàn muộn, thời gian khoảng tầm 2 tiếng mỗi ngày để cây quang hợp, trao đổi chất tốt nhất. – So với cây trồng trong đất, cách trồng không đất này sẽ khiến cây có rễ trơn, trắng hơn. Nếu bộ rễ bị nấm mốc hoặc lúc mới chuyển cây từ trồng đất sang chậu nước, cần dùng vôi hoặc dung dịch rửa thích hợp để rửa sạch đất bám hoặc mốc. Mặt khác, đối với một số loài cây mọc thành bụi, nên dùng tay nhẹ nhàng tách nhỏ ra để trồng.

Gọi ngay